Những vấn đề kinh tế vĩ mô cơ bản: Lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp, và tác động đến nền kinh tế tài chính

Giới thiệu

Lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp – hai yếu tố có thể làm “chao đảo” nền kinh tế nếu không được kiểm soát đúng cách. Vậy lạm phát và thất nghiệp là gì mà có thể tác động mạnh mẽ như vậy đến nền kinh tế. Trong bài viết này, FES sẽ mang đến cái nhìn sâu sắc hơn cho các bạn về hai hiện tượng trên nhé.

Lạm phát

Lạm phát là gì?

Lạm phát là sự gia tăng mức giá của các loại hàng hóa, dịch vụ một cách liên tục theo thời gian dẫn đến sự mất giá của đồng tiền.

Ví dụ, nếu một ổ bánh mì hôm nay giá 10.000 VND nhưng một năm sau tăng lên 12.000 VND, thì đó là do lạm phát.

Lạm phát là gì?

Nguyên nhân dẫn đến lạm phát

  • Lạm phát do cầu kéo: Khi nhu cầu cho một sản phẩm quá cao nhưng nguồn cung không đủ, giá sẽ tăng. Giống như khi món đồ chơi Blind Box nổi tiếng ra mắt, ai cũng muốn mua, giá sẽ bị đẩy lên.
  • Lạm phát do chi phí đẩy: Khi chi phí đầu vào tăng (như giá xăng dầu, lương nhân công), các công ty sẽ tăng giá bán sản phẩm để đảm bảo lợi nhuận.

Tác động của lạm phát đến nền kinh tế

Lạm phát là một phần tự nhiên của nền kinh tế. Một chút lạm phát có thể là dấu hiệu của sự phát triển kinh tế. Khi nền kinh tế tăng trưởng, nhu cầu tiêu dùng tăng lên, điều này khiến giá cả hàng hóa và dịch vụ có thể tăng. Chính vì vậy, lạm phát nhẹ có thể giúp duy trì sự ổn định và khuyến khích mọi người chi tiêu và đầu tư thay vì giữ tiền.

Tác động của lạm phát đến nền kinh tế

Tuy nhiên, lạm phát quá cao hoặc không kiểm soát được sẽ gây ra nhiều vấn đề cho nền kinh tế. Khi lạm phát tăng quá mức, giá trị đồng tiền giảm, khiến người tiêu dùng, doanh nghiệp phải chi nhiều hơn cho hàng hóa và dịch vụ cơ bản. Điều này dẫn đến giảm chất lượng cuộc sống và gây bất ổn cho nền kinh tế.

*Các thuật ngữ khác liên quan đến lạm phát

Siêu lạm phát – Hyperinflation

Siêu lạm phát là tình trạng giá cả tăng nhanh chóng, vượt quá 100% mỗi năm, khiến nền kinh tế mất kiểm soát. Nó xảy ra khi cung tiền tăng quá mức mà không có sự tăng trưởng kinh tế tương ứng, gây mất cân bằng cung cầu về tiền tệ.

Nguyên nhân thường do: in tiền quá mức hoặc người dân mất niềm tin vào đồng tiền quốc gia.

Siêu lạm phát - Hyperinflation

Thiểu phát – Disinflation

Thiểu phát là thuật ngữ dùng để chỉ tỷ lệ lạm phát giảm dần. Tỷ lệ lạm phát giảm từ năm này sang năm khác, nhưng vẫn còn tồn tại (lớn hơn 0), chỉ là không tăng nhanh như trước. Thiểu phát không phải suy thoái, chỉ đơn giản là sự chậm lại của tốc độ lạm phát.

Thiểu phát - Disinflation

Giảm phát – Deflation

Giảm phát (hay lạm phát âm), là khi giá cả hàng hóa liên tục giảm, tăng sức mua cho người tiêu dùng, nhưng lại ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Nó thường xảy ra khi cung tiền giảm hoặc sản lượng vượt quá nhu cầu.

Giảm phát - Deflation

Thất nghiệp

Thất nghiệp là gì?

Thất nghiệp là khi một người có đủ khả năng lao động và nhu cầu tìm việc nhưng lại không tìm được công việc phù hợp.

Thất nghiệp là gì?

Các loại thất nghiệp

  • Thất nghiệp chu kỳ – Cyclical unemployment: Xảy ra khi nền kinh tế suy thoái, các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm sản lượng và sa thải nhân sự để tiết kiệm chi phí
  • Thất nghiệp cơ cấu – Structural unemployment: Xảy ra khi có sự thay đổi trong nền kinh tế (ví dụ như công nghệ mới, ngành nghề mới) đòi hỏi những nhân sự có chuyên môn cao hơn. Khi đó, những người lao động không đáp ứng được các yêu cầu trên sẽ bị sa thải
  • Thất nghiệp tạm thời – Frictional unemployment: hay còn gọi là thất nghiệp ma sát, là tình trạng khi người lao động tự nguyện thay đổi công việc của mình. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp tạm thời như do thay đổi nơi ở hoặc người lao động muốn tìm một công việc mới phù hợp với kỹ năng và trình độ của bản thân.
Các loại thất nghiệp

Tác động của thất nghiệp lên nền kinh tế

Thất nghiệp cao làm giảm sức mua của người tiêu dùng, dẫn đến giảm cầu hàng hóa và dịch vụ, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế. Khi người lao động không có việc làm lâu dài, kỹ năng của họ có thể bị tụt lại, làm giảm khả năng tìm việc trong tương lai.

Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp cao còn tạo ra vòng xoáy tiêu cực: ít người có việc làm, ít người chi tiêu, làm nền kinh tế càng trì trệ. Ngược lại, tỷ lệ thất nghiệp thấp giúp nền kinh tế phát triển mạnh mẽ nhờ vào sức mua và tiêu dùng tăng cao.

Lạm phát, Thất nghiệp và Nền kinh tế

Lạm phát và thất nghiệp có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và ảnh hưởng đến nền kinh tế. Khi lạm phát tăng cao, ngân hàng trung ương có thể tăng lãi suất để kiềm chế giá cả. Tuy nhiên, khi lãi suất tăng, việc vay tiền trở nên đắt đỏ hơn, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc mở rộng sản xuất hoặc duy trì hoạt động. Điều này có thể dẫn đến việc cắt giảm nhân sự, làm tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Ngược lại, khi tỷ lệ thất nghiệp thấp, nhiều người có thu nhập ổn định và có thể chi tiêu nhiều hơn. Điều này sẽ làm tăng cầu tiêu dùng, dẫn đến việc giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng lên, từ đó đẩy lạm phát lên cao.

Chính vì vậy, chính phủ và ngân hàng trung ương cần phải cân bằng giữa việc kiểm soát lạm phát và giảm thất nghiệp. Họ phải điều chỉnh các chính sách tiền tệ và tài khóa sao cho nền kinh tế phát triển ổn định, tránh tình trạng lạm phát quá cao hoặc thất nghiệp quá lớn.

Lạm phát, Thất nghiệp và Nền kinh tế

Lời kết

Lạm phát và thất nghiệp không chỉ là những con số khô khan – chúng là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi cá nhân. Biết cách hiểu và vận dụng chúng sẽ giúp bạn nắm bắt nền kinh tế, tận dụng được các cơ hội và giảm thiểu rủi ro trong đầu tư tài chính.

Xem thêm các bài viết: Thông tin CFATin tức thị trườngTổng hợp công thức CFAĐăng ký thi CFA