1. Sơ lược về Ethical and Professional Standards
Ethical and Professional Standards là một trong những chủ đề cốt lõi của chương trình CFA Level 1. Môn học nhấn mạnh tầm quan trọng của đạo đức và tính chuyên nghiệp trong ngành tài chính. Việc hiểu rõ và tuân thủ những nguyên tắc này không chỉ giúp nâng cao uy tín cá nhân mà còn tăng cường sự tin tưởng của khách hàng và đối tác.
2. Code of Ethics and Professional Standards – Các Quy tắc Đạo đức và Chuẩn mực Nghề nghiệp
2.1. The Code of Ethics – Các Quy tắc Đạo đức
The Code of Ethics trong chương trình CFA nhấn mạnh các nguyên tắc đạo đức cốt lõi để duy trì tính chuyên nghiệp trong ngành tài chính. Các nguyên tắc chính gồm:
- Hành động chính trực, đúng năng lực, tận tâm, tôn trọng và đảm bảo đạo đức với công chúng, khách hàng, khách hàng tiềm năng, người sử dụng lao động (NSDLĐ), nhân viên, đồng nghiệp trong ngành đầu tư và những người tham gia khác trên thị trường vốn toàn cầu.
- Đặt tính liêm chính của ngành đầu tư và của khách hàng lên trên lợi ích cá nhân.
- Cần quan tâm đúng mực và đưa ra phán đoán chuyên môn độc lập khi thực hiện phân tích đầu tư, đưa ra khuyến nghị hoặc các quyết định đầu tư khác
- Làm việc và khuyến khích người khác làm việc theo đúng chuẩn mực đạo đức và chuyên nghiệp, qua đó thể hiện uy tín bản thân và chuyên môn.
- Thúc đẩy sự minh bạch và ổn định của thị trường vốn vì lợi ích cao nhất cho xã hội.
- Phát triển và duy trì năng lực chuyên môn và đấu tranh để phát triển và duy trì năng lực của các chuyên gia tài chính khác.
![2. Code of Ethics and Professional Standards - Các Quy tắc Đạo đức và Chuẩn mực Nghề nghiệp](https://fesacademy.com.vn/wp-content/uploads/2025/01/tong-quan-mon-ethical-and-professional-standards-trong-cfa-level-1-cac-nguyen-tac-va-cach-ap-dung-vao-cong-viec-tai-chinh-2-1024x536.jpg)
2.2. Standards of Professional Conduct – Các Chuẩn mực Nghề nghiệp
I. Professionalism – Phẩm chất Chuyên môn
- A. Knowledge of the Law – Kiến thức Pháp luật:
Thành viên và Ứng viên cần hiểu và tuân thủ tất cả các luật, quy tắc và quy định áp dụng (bao gồm Bộ Quy tắc Đạo đức và Tiêu chuẩn Hành vi Chuyên môn của CFA Institute) do bất kỳ cơ quan chính phủ, tổ chức quản lý, cơ quan cấp phép hoặc hiệp hội nghề nghiệp nào quản lý các hoạt động chuyên môn của họ. Trong trường hợp có xung đột, Thành viên và Ứng viên phải tuân thủ luật, quy tắc hoặc quy định nghiêm ngặt hơn. Thành viên và Ứng viên không được cố ý tham gia, hỗ trợ, hoặc liên kết với bất kỳ hành vi vi phạm nào đối với các luật, quy tắc hoặc quy định đó.
- B. Independence and Objectivity – Độc lập và Khách quan:
Thành viên và Ứng viên phải quan tâm đúng mực và đưa phán đoán chuyên môn độc lập để duy trì và bảo vệ tính độc lập cũng như khách quan trong các hoạt động chuyên môn của mình. Thành viên và Ứng viên không được đưa ra, yêu cầu hoặc chấp nhận bất kỳ quà tặng, phúc ích, khoản bồi thường nào có thể gây tổn hại tính độc lập và khách quan của bản thân hoặc của người khác.
- C. Misrepresentation – Trình bày sai lệch:
Các Thành viên và Ứng viên không được cố ý đưa ra các trình bày sai lệch trong phân tích, khuyến nghị hoặc hoạt động chuyên môn.
- D. Misconduct – Hành vi sai lệch:
Các Thành viên và Ứng viên không được tham gia vào các hành vi không trung thực, gian lận hoặc lừa đảo hoặc các hành vi đi ngược với uy tín chuyên môn, sự chính trực và năng lực.
- E. Competence – Năng lực:
Các Thành viên và Ứng viên phải duy trì và nâng cao năng lực chuyên môn cần thiết để thực hiện trách nhiệm nghề nghiệp.
II. Integrity of Capital Markets – Tính Nhất quán của Thị trường
- A. Material Nonpublic Information (MNI) – Thông tin Trọng yếu không công khai:
Thành viên và Ứng viên sở hữu MNI không được sử dụng hoặc khuyến khích người khác sử dụng thông tin không công khai quan trọng có thể ảnh hưởng đến giá trị của một khoản đầu tư.
- B. Market Manipulation:
Các Thành viên và Ứng viên không được tham gia vào các hành vi làm bóp méo giá hoặc khối lượng giao dịch nhằm mục đích lừa đảo hoặc gây hiểu lầm cho các bên tham gia thị trường.
III. Duties to Clients
- A. Loyalty, Prudence, and Care:
Thành viên và Ứng viên có nghĩa vụ trung thành với khách hàng của mình, phải quan tâm một cách đúng mực và thực hiện phán đoán hợp lý. Thành viên và Ứng viên phải luôn đặt lợi ích của khách hàng lên trên lợi ích của NSDLĐ hoặc lợi ích cá nhân của mình.
- B. Fair Dealing:
Thành viên và Ứng viên phải đối xử công bằng và khách quan với tất cả khách hàng khi cung cấp phân tích đầu tư, đưa ra khuyến nghị đầu tư, thực hiện các hành động đầu tư hoặc tham gia vào các hoạt động chuyên môn khác.
- C. Suitability:
- Khi Thành viên và Ứng viên trong vị trí tư vấn cho khách hàng, cần phải:
- Thực hiện điều tra đúng theo kinh nghiệm đầu tư, mục tiêu rủi ro và lợi nhuận, cũng như các hạn chế tài chính của khách hàng hoặc khách hàng tiềm năng trước khi đưa ra bất kỳ khuyến nghị đầu tư nào hoặc thực hiện hành động đầu tư; và phải đánh giá lại, cập nhật thông tin thường xuyên.
- Xác định rằng khoản đầu tư phù hợp với tình hình tài chính của khách hàng và nhất quán với các mục tiêu, ủy thác, và hạn chế được viết rõ ràng của khách hàng trước khi đưa ra khuyến nghị đầu tư hoặc thực hiện hành động đầu tư.
- Đánh giá tính phù hợp của các khoản đầu tư trong bối cảnh tổng danh mục đầu tư của khách hàng.
- Khi Thành viên và Ứng viên chịu trách nhiệm quản lý danh mục đầu tư theo một ủy quyền, chiến lược hoặc phong cách cụ thể, chỉ được đưa ra các khuyến nghị đầu tư hoặc thực hiện các hành động đầu tư phù hợp với các mục tiêu và hạn chế đã nêu của danh mục đầu tư.
![Duties to Clients](https://fesacademy.com.vn/wp-content/uploads/2025/01/tong-quan-mon-ethical-and-professional-standards-trong-cfa-level-1-cac-nguyen-tac-va-cach-ap-dung-vao-cong-viec-tai-chinh-3-1024x536.jpg)
- D. Performance Presentation:
Khi trình bày hiệu suất đầu tư, Thành viên và Ứng viên phải đảm bảo tính công bằng, chính xác và đầy đủ của thông tin.
- E. Preservation of Confidentiality:
Thành viên và Ứng viên phải bảo mật thông tin về khách hàng hiện tại, trước đây và tiềm năng, trừ các trường hợp:
- Thông tin khách hàng liên quan đến các hoạt động phi pháp.
- Luật pháp yêu cầu thông tin.
- Khách hàng hoặc khách hàng tiềm năng cho phép tiết lộ thông tin.
IV. Duties to Employers
- A. Loyalty:
Thành viên và Ứng viên phải hành động vì lợi ích của NSDLĐ, không làm tổn hại đến NSDLĐ.
- B. Additional Compensation Arrangements:
Thành viên và Ứng viên không được chấp nhận quà tặng, lợi ích, thù lao nào khác có thể tạo ra xung đột lợi ích với lợi ích của NSDLĐ, trừ khi có sự đồng ý bằng văn bản từ tất cả các bên liên quan.
- C. Responsibilities of Supervisors:
Thành viên và Ứng viên phải đảm bảo rằng bất kỳ ai thuộc sự giám sát của họ tuân thủ các luật, quy định, quy tắc và tiêu chuẩn của Viện CFA.
V. Investment Analysis, Recommendations, and Actions
- A. Diligence and Reasonable Basis:
Thành viên và Ứng viên phải:
- Cẩn trọng, độc lập và kỹ lưỡng khi phân tích đầu tư, đưa ra khuyến nghị đầu tư và thực hiện các hành động đầu tư.
- Có cơ sở hợp lý và đầy đủ từ nghiên cứu và khảo sát cho bất kỳ phân tích, khuyến nghị hoặc hành động đầu tư nào.
- B. Communication with Clients and Prospective Clients:
Thành viên và Ứng viên phải:
- Tiết lộ cho khách hàng và khách hàng tiềm năng bản chất của các dịch vụ được cung cấp, cùng với thông tin về chi phí liên quan.
- Tiết lộ các nguyên tắc cơ bản của quá trình đầu tư, lựa chọn chứng khoán và xây dựng danh mục đầu tư, cũng như bất kỳ thay đổi nào có thể ảnh hưởng đến các quy trình đó.
- Tiết lộ các giới hạn và rủi ro quan trọng liên quan đến quá trình đầu tư.
- Phán đoán hợp lý để xác định các yếu tố trọng yếu liên quan đến phân tích đầu tư, khuyến nghị hoặc hành động và cung cấp cho khách hàng.
- Phân định giữa sự thật (fact) và ý kiến (opinion) trong việc trình bày phân tích và khuyến nghị đầu tư.
- C. Record Retention:
Các Thành viên và Ứng viên phải lưu trữ hồ sơ để hỗ trợ phân tích đầu tư, khuyến nghị, hành động và các đàm thoại liên quan đến khách hàng và khách hàng tiềm năng.
VI. Conflicts of Interest
- A. Avoid or Disclose Conflicts:
Thành viên và Ứng viên phải tránh hoặc tiết lộ đầy đủ và công bằng tất cả các vấn đề có thể làm suy giảm tính độc lập và khách quan của mình, hoặc gây ảnh hưởng đến trách nhiệm của mình đối với khách hàng, NSDLĐ, và các bên liên quan. Những điều này cần được trình bày rõ ràng, bằng ngôn ngữ dễ hiểu.
- B. Priority of Transactions:
Giao dịch đầu tư cho khách hàng và NSDLĐ phải được ưu tiên hơn các giao dịch riêng của Thành viên hoặc Ứng viên.
- C. Referral Fees:
Thành viên và Ứng viên phải công khai cho NSDLĐ, khách hàng, và khách hàng tiềm năng, nếu có, bất kỳ khoản thù lao, lợi ích, hoặc khoản phí nào được nhận hoặc chi trả cho người khác trong việc giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ.
![Conflicts of Interest](https://fesacademy.com.vn/wp-content/uploads/2025/01/tong-quan-mon-ethical-and-professional-standards-trong-cfa-level-1-cac-nguyen-tac-va-cach-ap-dung-vao-cong-viec-tai-chinh-4-1024x536.jpg)
VII. Responsibilities as a CFA Institute Member or CFA Candidate
- A. Conduct as Participants in CFA Institute Programs:
Thành viên và Ứng viên không được tham gia vào bất kỳ hành vi nào làm tổn hại đến danh tiếng hoặc sự chính trực của Viện CFA, danh hiệu chuyên môn CFA, hoặc chương trình CFA. Họ cũng không được làm tổn hại đến tính nhất quán, giá trị, hoặc tính bảo mật của các chương trình Viện CFA.
- B. Reference to CFA Institute, the CFA Designation, and the CFA Program:
Khi đề cập đến Viện CFA, với tư cách Thành viên của Viện CFA, mang danh hiệu CFA, hoặc tư cách Ứng viên trong chương trình CFA, Thành viên và Ứng viên không được xuyên tạc hoặc phóng đại ý nghĩa hoặc các hàm ý liên quan đến tư cách Thành viên, việc mang danh hiệu CFA, hoặc tư cách Ứng viên trong chương trình CFA.
3. Các đổi mới về Ethics trong năm 2025
3.1. Competence Standard – Nâng cao tiêu chuẩn năng lực
Một trong những đổi mới quan trọng trong năm 2025 là nhấn mạnh hơn nữa vào năng lực chuyên môn (Competence). Theo chuẩn mực mới, các Thành viên và Ứng viên CFA phải:
- Duy trì và cải thiện năng lực chuyên môn: Điều này bao gồm việc phát triển kỹ năng, kiến thức và khả năng phù hợp với vai trò hiện tại và tương lai của họ.
- Linh hoạt với các thay đổi vai trò: Vai trò nghề nghiệp của một Thành viên có thể mở rộng, yêu cầu kiến thức hoặc kỹ năng mới. Các Thành viên cần phải liên tục thích nghi và trau dồi những năng lực cần thiết để đáp ứng yêu cầu công việc.
- Cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp ở mức cao: Điều này đòi hỏi sự tận tâm trong việc cung cấp dịch vụ tài chính chất lượng cao cho khách hàng và NSDLĐ.
- Không yêu cầu chương trình phát triển cụ thể: Dù không yêu cầu tham gia một chương trình đào tạo nhất định, các Thành viên được khuyến khích sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để duy trì năng lực, từ việc tham gia các khóa học chuyên môn đến tự học và thực hành thực tế.
Tiêu chuẩn này không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì năng lực mà còn khuyến khích các chuyên gia tài chính phát triển kỹ năng suốt đời nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của ngành tài chính ngày càng phức tạp.
![Competence Standard - Nâng cao tiêu chuẩn năng lực](https://fesacademy.com.vn/wp-content/uploads/2025/01/tong-quan-mon-ethical-and-professional-standards-trong-cfa-level-1-cac-nguyen-tac-va-cach-ap-dung-vao-cong-viec-tai-chinh-5-1024x536.jpg)
3.2. Tiết lộ thông tin về dịch vụ và chi phí liên quan (Disclosure of Nature of Services and Costs to Client)
Một thay đổi quan trọng khác trong năm 2025 liên quan đến việc yêu cầu các Thành viên và Ứng viên CFA cung cấp thông tin rõ ràng hơn về bản chất dịch vụ và chi phí liên quan:
- Tiêu chuẩn mới giúp bảo vệ lợi ích của khách hàng bằng cách đảm bảo họ có đầy đủ thông tin để đưa ra các quyết định hợp lý liên quan đến đầu tư và tình hình tài chính của họ.
- Thành viên và Ứng viên phải cung cấp thông tin về cách phân tích đầu tư, lựa chọn chứng khoán, xây dựng danh mục đầu tư, cũng như các thay đổi có thể ảnh hưởng đến quy trình này.
- Điều này đảm bảo rằng khách hàng nhận thức rõ về các rủi ro, giới hạn, và các chi phí liên quan đến dịch vụ.
Quy định này lấp đầy những lỗ hổng trong việc minh bạch tài chính, giúp nâng cao niềm tin giữa khách hàng và các chuyên gia tài chính.
3.3. Tiêu chuẩn sửa đổi liên quan đến xung đột lợi ích (Revised Standard Relating to Conflicts of Interest)
Trong năm 2025, Tiêu chuẩn VI (A): Disclosure of Conflicts được đổi tên thành “Avoid or Disclose Conflicts”, bổ sung rõ hơn về yêu cầu tránh các xung đột lợi ích, thay vì chỉ đơn thuần tiết lộ chúng. Cụ thể:
- Viện CFA khuyến nghị các Thành viên và Ứng viên nên ưu tiên tránh xung đột lợi ích hoặc biểu hiện của xung đột lợi ích bất cứ khi nào có thể.
- Trong trường hợp không thể tránh xung đột, các Thành viên và Ứng viên phải đảm bảo các tiết lộ được thực hiện rõ ràng, bằng ngôn ngữ dễ hiểu và truyền đạt rõ ràng đến tất cả các bên liên quan.
- Tiêu chuẩn này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết xung đột lợi ích một cách minh bạch, đồng thời khuyến khích các Thành viên áp dụng thực tiễn tốt nhất để duy trì sự độc lập và khách quan.
Sự thay đổi này đặt trọng tâm vào việc bảo vệ niềm tin của khách hàng và NSDLĐ, đồng thời đảm bảo rằng các chuyên gia tài chính tuân thủ những tiêu chuẩn đạo đức cao nhất trong các giao dịch và quyết định của họ.
4. Cách áp dụng Ethical and Professional Standards vào công việc tài chính
4.1. Hiểu rõ và liên hệ lý thuyết với thực tiễn
Bước đầu tiên để áp dụng các nguyên tắc đạo đức là hiểu rõ các khái niệm lý thuyết. Viện CFA khuyến nghị sử dụng Standards of Practice Handbook để nghiên cứu và liên kết các nguyên tắc này với những tình huống cụ thể trong công việc.
Hãy bắt đầu bằng cách hiểu sâu những nguyên tắc lý thuyết. Không nên chỉ học để vượt qua kỳ thi, mà hãy biến những kiến thức trong Handbook thành công cụ dẫn đường trong công việc. Khi gặp tình huống cụ thể, bạn có thể tự hỏi: “Chuẩn mực nào từ Ethics có thể giải quyết vấn đề này?”, “Trường hợp này ai vi phạm, ai không?”
4.2. Nghiên cứu case study và tình huống thực tế
Sử dụng các case study hoặc bài tập tình huống liên quan đến đạo đức để thực hành. Điều này giúp bạn áp dụng lý thuyết vào thực tiễn và xử lý các tình huống như quản lý xung đột lợi ích hoặc bảo vệ thông tin khách hàng.
Ethics là môn học khó và phức tạp nhất trong CFA level 1, nên việc nghiên cứu kỹ các tình huống sẽ giúp bạn hình dung vấn đề trong nhiều bối cảnh khác nhau.
![Cách áp dụng Ethical and Professional Standards vào công việc tài chính](https://fesacademy.com.vn/wp-content/uploads/2025/01/tong-quan-mon-ethical-and-professional-standards-trong-cfa-level-1-cac-nguyen-tac-va-cach-ap-dung-vao-cong-viec-tai-chinh-6-1024x536.jpg)
4.3. Xây dựng cho mình quy trình làm việc theo Quy tắc và Chuẩn mực Đạo đức
Việc đưa môn học vào cuộc sống, việc làm hằng ngày chính là cách để ghi nhớ và áp dụng hiệu quả nhất. Ví dụ, áp dụng quy trình rõ ràng và hệ thống để đảm bảo sự minh bạch trong mọi quyết định đầu tư. Khi đưa ra một khuyến nghị đầu tư, cần ghi lại quá trình phân tích và lý do đằng sau quyết định.
4.4. Không ngừng phát triển bản thân
Đây cũng chính là điểm mới trong Ethics 2025. Để duy trì tính chuyên nghiệp, các chuyên gia tài chính cần không ngừng học hỏi, cải thiện kỹ năng và bạn cũng vậy. Hãy trau dồi bản thân thường xuyên và luôn sẵn sàng cho những đổi mới.
Tổng kết
Ethical and Professional Standards không chỉ là một phần quan trọng trong kỳ thi CFA Level 1 mà còn là kim chỉ nam hướng dẫn hành vi đạo đức và chuyên nghiệp trong ngành tài chính. Việc hiểu rõ và áp dụng các nguyên tắc này không chỉ bảo vệ uy tín cá nhân mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững. FES mong rằng bài viết này sẽ giúp các bạn định hướng tốt hơn trong phương pháp học cũng như cách áp dụng các kiến thức từ Ethical and Professional Standards nhé!
Xem thêm các bài viết: Thông tin CFA, Tin tức thị trường, Tổng hợp công thức CFA