Dòng tiền là gì?
Dòng tiền của một công ty được định nghĩa là lưu lượng tiền chi ra hoặc thu vào của công ty đó.
Các công ty niêm yết phải báo cáo dòng tiền của mình trên báo cáo tài chính (BCTC). Thông tin này là trọng yếu đối với các nhà đầu tư vì nó là chỉ báo về tình hình tài chính của công ty, đặc biệt là khi kết hợp với các dữ liệu khác.

3 loại dòng tiền trong quản trị Tài chính
Trên Báo cáo Lưu chuyển Tiền tệ (Statement of Cash Flow) của các doanh nghiệp, dòng tiền được chia làm 3 loại theo 3 hoạt động chính của doanh nghiệp:
Operating Cash flow (CFO) – Dòng tiền từ Hoạt động Kinh doanh
Đây là dòng tiền tới từ hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp. Là doanh thu bán hàng (và/hoặc cung cấp dịch vụ), trừ đi chi phí bán hàng (và/hoặc cung cấp dịch vụ) và các chi phí hoạt động khác
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh không phải là lợi nhuận của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể cho thấy lợi nhuận dương trên Báo cáo Kết quả Hoạt động Kinh doanh, tuy nhiên nếu các khoản phải thu từ khách hàng chưa được thanh toán doanh nghiệp vẫn đối mặt với nguy cơ thiếu tiền mặt.
Một số yếu tố như thay đổi trong hàng tồn kho cũng ảnh hưởng đến dòng tiền này. Ví dụ, khi lượng hàng tồn kho tăng nghĩa là doanh nghiệp đã chi trả để mua thêm hàng, vậy nên sẽ có một dòng tiền chi ra, lượng tiền mặt của doanh nghiệp giảm xuống.

Investing Cash flow (CFI) – Dòng tiền từ Hoạt động Đầu tư
Dòng tiền từ Hoạt động Đầu tư tới từ các hoạt động đầu tư như mua bán tài sản cố định (thiết bị, máy móc, …), bất động sản, dự án đầu tư …
CFI âm có thể là dấu hiệu tích cực cho thấy công ty đang chi tiền để đầu tư cho hoạt động tương lai (có thể là chi phí R&D để phát triển sản phẩm, đầu tư cơ sở vật chất để mở rộng sản xuất).

Financing Cash flow (CFF) – Dòng tiền từ Hoạt động Tài chính
Dòng tiền từ Hoạt động Tài chính là dòng tiền ảnh hưởng tới cấu trúc, quy mô vốn của doanh nghiệp. Dòng tiền thu vào có thể từ việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu, vay vốn ngân hàng. Dòng tiền ra phần lớn sẽ từ chi trả cổ tức cho cổ đông.
Tầm quan trọng của phân tích Dòng tiền
Phân tích dòng tiền đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá tình hình tài chính của một doanh nghiệp. Mỗi đối tượng khác nhau sẽ có những mối quan tâm riêng đối với từng loại dòng tiền, từ đó đưa ra các quyết định phù hợp.
Debtholder – Bên cho vay (Ngân hàng, các định chế tài chính)
Người cho vay thường tập trung vào dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (CFO) vì đây là chỉ báo quan trọng nhất về khả năng trả nợ của doanh nghiệp.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh dương, đủ lớn và ổn định cho thấy doanh nghiệp có dòng tiền đều đặn từ hoạt động chính, đủ khả năng chi trả nợ gốc và lãi vay đúng hạn. Đây là tín hiệu tích cực giúp các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính yên tâm khi cung cấp tín dụng.
Một số doanh nghiệp dù có thể báo cáo lợi nhuận dương, nhưng nếu dòng tiền kinh doanh âm thì khả năng trả nợ có thể bị đe dọa. Trong trường hợp này, người cho vay thường yêu cầu thêm tài sản đảm bảo hoặc lãi suất cao hơn để bù đắp rủi ro.

Các công ty hoạt động theo mùa, như các công ty sử dụng nguyên liệu thô là nông sản (ví dụ: công ty chế biến cà phê, đường, hoặc bông), thường có dòng tiền không ổn định. Họ chỉ tạo ra doanh thu trong một số giai đoạn cụ thể và đối mặt với thời kỳ chi phí lớn trong các mùa khác. Do đó, các doanh nghiệp này thường hạn chế huy động vốn bằng khoản vay, hoặc nếu vay, họ cần cấu trúc khoản vay phù hợp (như vay ngắn hạn theo chu kỳ hoạt động).
Shareholder – Cổ đông
Nhà đầu tư cổ phiếu thường quan tâm đến cả ba loại dòng tiền, nhưng trọng tâm của họ thường là dòng tiền từ hoạt động đầu tư (CFI) và dòng tiền từ hoạt động tài chính (CFF).
Dòng tiền từ hoạt động đầu tư (CFI):
Dòng tiền âm từ hoạt động đầu tư thường là dấu hiệu tích cực nếu nó phản ánh rằng doanh nghiệp đang đầu tư vào các dự án tương lai, chẳng hạn như mua tài sản cố định, mở rộng sản xuất, hoặc chi cho R&D. Đây là tín hiệu cho thấy công ty đang hướng tới tăng trưởng dài hạn.
Ngược lại, nếu CFI dương (do bán tài sản hoặc dừng đầu tư), nhà đầu tư cần xem xét lý do. Nếu công ty bán tài sản để duy trì hoạt động, điều này có thể là dấu hiệu tiêu cực.

Tuy nhiên, không phải CFI âm luôn là dấu hiệu tốt. Cần phải kết hợp phân tích các thông tin khác và chiến lược dài hạn của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp liên tục “rót tiền” và các khoản đầu mà không có kế hoạch chiến lược để tạo ra lợi nhuận thì đó lại là cảnh báo cho các cổ đông và nhà đầu tư.
Dòng tiền từ hoạt động tài chính (CFF):
Nhà đầu tư cổ phiếu thường quan tâm đến dòng tiền ra từ hoạt động tài chính, đặc biệt là chi trả cổ tức. Một dòng tiền ra đều đặn cho cổ tức là dấu hiệu doanh nghiệp đang duy trì lợi nhuận và tạo ra giá trị cho cổ đông.
Ngược lại, dòng tiền thu vào lớn từ việc phát hành cổ phiếu hoặc vay vốn có thể gây lo ngại về khả năng pha loãng cổ phần hoặc tăng nợ.
Board of Management (BOM) – Ban điều hành doanh nghiệp
Ban điều hành cần có cái nhìn tổng thể về cả ba dòng tiền để quản lý hiệu quả hoạt động của công ty.
- Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (CFO): là trọng tâm để đánh giá khả năng vận hành hàng ngày. Dòng tiền này giúp đảm bảo doanh nghiệp có đủ tiền để duy trì hoạt động, trả lương nhân viên và chi trả các chi phí cố định.
- Dòng tiền từ hoạt động đầu tư (CFI): BOM sử dụng dòng tiền này để quyết định các khoản đầu tư chiến lược, như mở rộng nhà máy, mua công nghệ mới hoặc sáp nhập doanh nghiệp.
- Dòng tiền từ hoạt động tài chính (CFF): được sử dụng để điều chỉnh cấu trúc vốn. BOM sẽ xem xét giữa việc vay nợ và phát hành cổ phiếu để tối ưu hóa chi phí vốn.

Đặc điểm dòng tiền theo ngành nghề
Khi phân tích dòng tiền cũng cần chú ý tới các yếu tố điển hình như loại hình hoạt động, đặc điểm ngành của công ty. Các công ty thuộc các ngành khác nhau sẽ có đặc điểm dòng tiền khác nhau.
Công ty hoạt động theo mùa:
Những doanh nghiệp phụ thuộc vào mùa vụ như nông sản, du lịch hoặc bán lẻ thường có dòng tiền không đều. Trong giai đoạn cao điểm, doanh thu tăng mạnh, nhưng ở giai đoạn thấp điểm, dòng tiền giảm xuống đáng kể. Điều này khiến các công ty này phải cẩn thận trong việc vay nợ dài hạn và tập trung vào quản lý dòng tiền ngắn hạn.
Công ty công nghệ hoặc khởi nghiệp:
Các công ty công nghệ hoặc khởi nghiệp thường có dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm trong những năm đầu, nhưng dòng tiền từ hoạt động đầu tư (CFI) âm lớn là tín hiệu tích cực, vì nó cho thấy công ty đang chi mạnh cho R&D và mở rộng quy mô. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động, họ phụ thuộc nhiều vào dòng tiền từ hoạt động tài chính (CFF), ví dụ như huy động vốn từ các nhà đầu tư.
Công ty sản xuất:
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh thường ổn định hơn do chu kỳ sản xuất liên tục. Tuy nhiên, dòng tiền từ hoạt động đầu tư (CFI) âm là phổ biến vì các công ty này phải đầu tư lớn vào máy móc, thiết bị và bảo trì định kỳ.
Kết luận
Phân tích dòng tiền không chỉ giúp các đối tượng như người cho vay, nhà đầu tư, hay ban quản trị hiểu rõ hơn về tình hình tài chính của doanh nghiệp, mà còn cung cấp cơ sở để đưa ra quyết định chiến lược. Bằng cách hiểu rõ dòng tiền của công ty, bạn có thể nhận ra các cơ hội tăng trưởng hoặc những rủi ro tiềm ẩn và đưa ra các hành động phù hợp.
Xem thêm các bài viết: Thông tin CFA, Tin tức thị trường, Tổng hợp công thức CFA