Thế hệ trẻ ngày nay đang quan tâm nhiều hơn đến tài chính cá nhân và cách quản lý dòng tiền ngay từ khi bắt đầu đi làm. Họ nhận thức rõ rằng những quyết định tài chính ban đầu có thể ảnh hưởng lâu dài đến tương lai. Tuy nhiên, một trong những câu hỏi luôn khiến các bạn băn khoăn là: nên tiết kiệm trước hay đầu tư trước?
Tiết kiệm là gì?
Tiết kiệm có thể hiểu là dành ra một phần thu nhập để sử dụng cho tương lai, thay vì tiêu hết trong hiện tại. Tiết kiệm không có nghĩa là không có tiền lãi, chúng ta vẫn có nhiều cách tiết kiệm như gửi ngân hàng với kỳ hạn ngắn hoặc sử dụng các tài khoản tiết kiệm được phép rút gốc linh hoạt với lãi suất thấp hơn.
Các khoản tiền này có thể dùng cho trường hợp khẩn cấp, mục tiêu ngắn hạn hoặc đơn giản là tích lũy vốn dần dần. Với người mới bắt đầu đi làm, tiết kiệm có thể là khoản tiền nhỏ mỗi tháng, nhưng mang lại giá trị lớn về mặt tâm lý và tài chính.

Đầu tư là gì?
Khác với tiết kiệm, vốn thiên về tích lũy và bảo toàn, đầu tư là quá trình bạn sử dụng một phần tiền để sinh lời trong tương lai. Mục tiêu của đầu tư là tăng giá trị tài sản theo thời gian, tuy nhiên đi kèm với nó là yếu tố rủi ro cao hơn và cần có kiến thức nhất định.
Vì sao ngày càng nhiều người trẻ quan tâm đến đầu tư?
Thế hệ trẻ hiện nay nhận thức rất sớm về tầm quan trọng của tài chính và luôn sẵn sàng học hỏi để tối ưu hóa thu nhập cũng như chi tiêu của bản thân. Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng và lạm phát làm xói mòn giá trị đồng tiền, đầu tư trở thành lựa chọn hấp dẫn giúp:
- Chống lại lạm phát, bảo vệ giá trị tiền bạc trong dài hạn.
- Tạo thêm nguồn thu nhập thụ động ngoài lương cứng.
- Tiếp cận mục tiêu tài chính lớn hơn như mua nhà, độc lập tài chính hoặc nghỉ hưu sớm.
Nhiều bạn trẻ chọn đầu tư từ sớm để có lợi thế thời gian: càng đầu tư dài hạn, tác động của lãi kép càng mạnh, lợi nhuận càng cao.

Vậy người mới đi làm nên tiết kiệm hay đầu tư trước?
FES nghĩ câu trả lời không dựa vào việc bạn mới đi làm hay đã đi làm lâu năm, mà sẽ phụ thuộc vào tình hình tài chính của bạn.
Trong thực tế, phần lớn các bạn trẻ khi mới đi làm thường chưa có thu nhập dư dả. Chi phí sinh hoạt, tiền thuê nhà, và các nhu cầu cá nhân cơ bản sẽ chiếm phần lớn thu nhập hàng tháng. Vì vậy, việc tập trung xây dựng thói quen tiết kiệm trước là điều rất cần thiết – giúp bạn hình thành quỹ dự phòng, tạo nền tảng tài chính an toàn và tâm lý ổn định.
Tuy nhiên, nếu bạn đang sở hữu một mức thu nhập tốt, ở mức trung bình khá trở lên, đáp ứng được nhu cầu cuộc sống mà vẫn còn lại một khoản kha khá, thì hoàn toàn có thể trích một phần nhỏ để đầu tư ngay từ sớm. Việc này sẽ giúp bạn tận dụng lợi thế thời gian, trải nghiệm thực tế thị trường, và học cách quản lý rủi ro ngay từ đầu.
Dù vậy, một lời khuyên FES muốn dành cho mọi người là: hãy ưu tiên tiết kiệm trước rồi mới nghĩ đến đầu tư. Bởi về bản chất, đầu tư là để tạo thêm lợi nhuận từ phần tiền nhàn rỗi, chứ không nên là nguồn gây áp lực lên tài chính hàng ngày. Bạn cần một cuộc sống ổn định và một nền tảng tài chính vững chắc trước khi bắt đầu hành trình đầu tư bài bản.

Bên cạnh việc lựa chọn tiết kiệm hay đầu tư, bạn cũng nên chú trọng đến việc cân bằng giữa hai yếu tố này. Tiết kiệm mang lại sự chủ động trong ngắn hạn, giúp bạn ứng phó với các tình huống bất ngờ. Tuy nhiên, chỉ tiết kiệm thôi sẽ không giúp tiền của bạn tăng trưởng trong dài hạn. Ngược lại, đầu tư có thể tạo ra lợi nhuận và giúp tài sản sinh lời theo thời gian, nhưng cũng đi kèm rủi ro và đòi hỏi kiến thức vững chắc. Nếu quá tập trung vào tiết kiệm, bạn có thể bỏ lỡ cơ hội gia tăng tài sản. Ngược lại, nếu chỉ chăm chăm đầu tư mà không có khoản tiết kiệm dự phòng, bạn sẽ dễ rơi vào thế bị động khi gặp biến cố.
Lời kết
Tài chính cá nhân không phải là một cuộc đua, mà là một bản kế hoạch được thiết kế riêng cho từng người. Vì vậy, hãy dành thời gian học hỏi, quan sát và lên kế hoạch phù hợp với hoàn cảnh của chính bạn. Đừng áp lực khi thấy người khác đầu tư, “chốt lời” liên tục, điều quan trọng là bạn hiểu mình đang ở đâu và cần gì. Hãy luôn ghi nhớ: Tiết kiệm giúp bạn ổn định hiện tại. Đầu tư giúp bạn chuẩn bị cho tương lai. Khi kết hợp và làm tốt cả hai, bạn sẽ thực sự làm chủ được cuộc sống của mình.
Xem thêm các bài viết: Thông tin CFA, Tin tức thị trường, Tổng hợp công thức CFA, Đăng ký thi CFA, Thư viện đầu tư