Trong đầu tư tài chính, việc đánh giá và định giá cổ phiếu là một trong những yếu tố quan trọng để ra quyết định đầu tư chính xác. Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về ba chỉ số phổ biến nhất được sử dụng trong định giá cổ phiếu là P/E (Price-to-Earnings), P/B (Price-to-Book) và EV/EBITDA (Enterprise Value to Earnings Before Interest, Taxes, Depreciation, and Amortization).
Mô hình Hệ số nhân (Multiplier Model)
Trước khi đi sâu vào từng hệ số, chúng ta cần hiểu rằng cả ba hệ số P/E, P/B và EV/EBITDA đều thuộc nhóm chỉ số định giá dựa trên mô hình Hệ số nhân (Multiplier Model). Vậy, Multiplier Model là gì?
Multiplier models là một phương pháp định giá tài sản, chủ yếu là cổ phiếu hoặc doanh nghiệp, dựa trên hệ số nhân của một biến số cơ bản nào đó. Thay vì tính toán giá trị nội tại của một công ty bằng cách xem xét tất cả các yếu tố tài chính chi tiết, các mô hình này sử dụng một hệ số (multiple) dựa trên một biến số cơ bản (như lợi nhuận, doanh thu, hoặc giá trị tài sản) để ước tính giá trị của công ty.
Có 2 cách sử dụng multiplier model:
- Method of comparables: so sánh với hệ số của các công ty tương đương để định giá công ty mục tiêu.
- Method based on forecasted fundamental: định giá bằng cách sử dụng hệ số được tính bởi dự báo của các chỉ tiêu tài chính trong tương lai.
Multiplier model chủ yếu dựa trên các hệ số:
- Share price multiples: Định giá dựa trên giá cổ phiếu.
Ví dụ: P/E, P/B.
- Enterprise value multiples: Định giá dựa trên giá trị doanh nghiệp.
Ví dụ: EV/EBITDA.

Hệ số P/E
Hệ số P/E là một trong những hệ số phổ biến nhất trong việc định giá cổ phiếu, được tính bằng cách chia giá cổ phiếu hiện tại cho lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS).
P/E=Share priceEarnings per share
Hệ số P/E cho biết nhà đầu tư sẵn sàng trả bao nhiêu tiền cho mỗi đồng lợi nhuận mà công ty tạo ra. Đây là chỉ số phản ánh kỳ vọng của thị trường về khả năng sinh lời và tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai của công ty.

- P/E cao: Nhà đầu tư kỳ vọng công ty sẽ tăng thu lợi nhuận cao trong tương lai hoặc công ty có vị trí cạnh tranh mạnh. Tuy nhiên, P/E quá cao cũng có thể cảnh báo cổ phiếu được định giá quá cân.
- P/E thấp: Có thể làm công việc gặp khó khăn hoặc tăng trưởng thấp. Cũng có thể là cơ hội mua cổ phiếu giá rẻ nếu có tiềm năng phục hồi tốt.
Ưu điểm:
- Tính toán đơn giản, dễ hiểu và được sử dụng phổ biến
- Có thể giúp đánh giá được tiềm năng tăng trưởng
Nhược điểm:
- Không áp dụng cho các công ty chưa có lợi nhuận hoặc lợi nhuận âm.
- Bị ảnh hưởng bởi các chính sách kế toán, thuế, và biến động lợi nhuận ngắn hạn.
Hệ số P/B
Hệ số P/B được tính bằng cách chia giá trị thị trường của cổ phiếu cho giá trị sổ sách (book value) của cổ phiếu đó.
P/B=Market price per shareBook value per share
Hệ số P/B phản ánh mức độ nhà đầu tư sẵn sàng trả so với giá trị tài sản thực tế của công ty trên sổ sách kế toán. Đây là chỉ số hữu ích để đánh giá các công ty có tài sản cố định lớn hoặc giá trị tài sản rõ ràng như các công ty bảo hiểm, ngân hàng, công ty tài chính.
- P/B > 1: Thị trường đang có nhiều kỳ vọng về cổ phiếu này, doanh nghiệp có thể làm ăn tốt trong tương lai. Chính vì thế mà các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra một số tiền cao hơn giá trị ghi sổ của doanh nghiệp để có thể sở hữu nó.
- P/B < 1: Cổ phiếu có thể đang bị định giá thấp hơn so với giá trị tài sản thực tế, tức là nhà đầu tư có thể mua được cổ phiếu với giá rẻ hơn giá trị tài sản của công ty. Đây là dấu hiệu thị trường chưa đánh giá đúng giá trị công ty. Tuy nhiên P/B thấp cũng có thể là dấu hiệu công ty đang gặp khó khăn.

Ưu điểm:
- Luôn dương nên nó có thể dùng để định giá với những doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ.
- Hữu ích để đánh giá các công ty có tài sản cố định lớn hoặc giá trị tài sản rõ ràng như các công ty bảo hiểm, ngân hàng, công ty tài chính
- Ít bị ảnh hưởng bởi biến động lợi nhuận ngắn hạn hoặc chính sách kế toán lợi nhuận.
Nhược điểm:
- Giá trị sổ sách không phản ánh đầy đủ giá trị thị trường thực tế, đặc biệt với các công ty có tài sản vô hình (thương hiệu, bằng sáng chế, …) lớn.
- Không phản ánh đúng giá trị thị trường của tài sản, vì giá trị sổ sách có thể là giá trị đã ghi nhận cách đây rất lâu.
Hệ số EV/EBITDA
Hệ số này so sánh tổng giá trị doanh nghiệp (EV), bao gồm nợ vay và vốn chủ sở hữu, với lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA).
EV/EBITDA=Enterprise valueEarnings before interest, taxes, depreciation and amortization
Enterprise value (EV): giá trị doanh nghiệp.
EV=Vốn hóa thị trường + Giá trị thị trường của Tổng nợ – Tiền và các khoản tương đương tiền
EBITDA là lợi nhuận trước lãi vay (I), thuế (T) và khấu hao (DA).
Hệ số EV/EBITDA cho biết tổng giá trị doanh nghiệp được thị trường định giá so với khả năng tạo ra lợi nhuận thực từ hoạt động kinh doanh chính. Nhờ loại bỏ các chi phí không liên quan đến dòng tiền như lãi vay, thuế và khấu hao, EV/EBITDA giúp nhà đầu tư nhìn nhận chính xác hơn về hiệu quả kinh doanh và sức khỏe tài chính của công ty.
- EV/EBITDA thấp: Thể hiện công ty có thể đang bị định giá thấp hoặc hoạt động kinh doanh hiệu quả, tạo ra lợi nhuận tốt so với giá trị doanh nghiệp. Đây thường là dấu hiệu tích cực và cơ hội đầu tư hấp dẫn.
- EV/EBITDA cao: Cho thấy công ty được thị trường định giá cao hơn so với lợi nhuận tạo ra, có thể do kỳ vọng tăng trưởng hoặc có lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu rủi ro khi cổ phiếu bị định giá quá cao.

Ưu điểm:
- Loại bỏ ảnh hưởng của cấu trúc vốn (nợ và vốn chủ sở hữu), giúp so sánh công bằng giữa các công ty.
- Loại bỏ các chi phí phi tiền mặt như khấu hao, cho phép phản ánh gần sát dòng tiền thực tế hơn.
Nhược điểm:
- EBITDA không phải là dòng tiền thuần, vì không tính chi phí đầu tư vốn (Capex).
- Không phản ánh các khác biệt về thuế hoặc chi phí tài chính giữa các công ty.
- Không phù hợp với các công ty ít tài sản cố định hoặc có mô hình kinh doanh đặc thù.
Lời kết
Mỗi phương pháp định giá và các hệ số định giá như P/E, P/B, EV/EBITDA đều có những ưu điểm và hạn chế riêng, do đó sẽ phù hợp với từng loại hình công ty và ngành nghề khác nhau. Không thể áp dụng một phương pháp duy nhất cho tất cả các công ty vì mỗi doanh nghiệp có đặc thù tài chính và mô hình kinh doanh khác nhau. Bên cạnh việc phân tích các hệ số định giá, nhà đầu tư cần kết hợp thêm các nghiên cứu chuyên sâu, cũng như sử dụng các chỉ số tài chính và dữ liệu khác để có được cái nhìn đa chiều, toàn diện hơn về giá trị thực sự của công ty.
FES hi vọng bài viết này có thể giúp các bạn hiểu rõ hơn về các hệ số định giá cổ phiếu trong quá trình phân tích. FES Academy luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn trong sự nghiệp tài chính và đầu tư.
Xem thêm các bài viết: Thông tin CFA, Tin tức thị trường, Tổng hợp công thức CFA, Đăng ký thi CFA, Thư viện đầu tư