“Thế kỷ của khủng hoảng” là cách mà thế kỷ 21 được thế hệ Millennials và Gen Z mô tả, thế hệ đã liên tục chứng kiến hết cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác. Thiên niên kỷ này được biết đến bởi bong bóng và sự sụp đổ của thị trường dotcom vào khoảng 2000–2001. Ngay sau đó là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008–2009. Trong làn sóng lan rộng từ cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn ở Hoa Kỳ – nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu – cuộc khủng hoảng đồng euro đã bùng nổ vào năm 2010 và kéo dài thêm nhiều năm nữa. Sau đó, vào năm 2019, Trung Quốc ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Đại dịch đầu tiên trong vòng 100 năm đã gây ra những cú sụt giảm thị trường chứng khoán trong một ngày lớn nhất lịch sử, khi các nền kinh tế trên toàn cầu phải đóng cửa. Tiếp đó, khi các lệnh phong tỏa vừa bắt đầu được gỡ bỏ, Nga đã xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022, dẫn đến một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt – và cho đến nay vẫn còn ảnh hưởng. Sự sụp đổ của thị trường bất động sản Trung Quốc lại gia tăng thêm áp lực lên một thế giới vốn đã trải qua 5 cuộc khủng hoảng tài chính chỉ trong hơn hai thập kỷ. Không có gì lạ khi nhiều người cảm thấy rằng đây chính là thế kỷ của khủng hoảng.
Đáng chú ý, những cuộc khủng hoảng này đều là những cú “sụp đổ” lớn, bởi mỗi cuộc đều kéo theo suy thoái kinh tế, mang lại khổ đau cho hàng triệu người. Đáng buồn là, hai thập kỷ trước năm 2000 cũng đã chứng kiến nhiều cú sụp đổ như vậy.
“Mục tiêu hiện tại là tìm ra cách tốt nhất để giảm thiểu thiệt hại từ cuộc khủng hoảng tiếp theo, nhằm giới hạn mức độ ảnh hưởng của nó và ngăn không để nó trở thành một cuộc sụp đổ toàn cầu.”
Sau thời kỳ hoàng kim của nền kinh tế tăng trưởng vào những năm 1950 và 1960, khi không có bất cứ cuộc khủng hoảng tài chính quy mô lớn nào xảy ra, vào những năm 1970, thế giới bắt đầu chứng kiến lạm phát cao và tăng trưởng trì trệ, hay còn gọi là hiện tượng “đình lạm”. Sự biến động này đã góp phần dẫn đến các vụ sụp đổ lớn trong thập niên 1980, có thể kể đến như các cuoojckhungr hoảng tại Mỹ Latinh năm 1980-1981 và khủng hoảng hệ thống tiết kiệm và cho vay ở Hoa Kỳ vào cuối thập kỷ. Ngay sau đó là cuộc Khủng hoảng Tiền tệ Châu Âu vào năm 1992 và Khủng hoảng Tiền tệ Mexico vào năm 1994. Thập niên 90 khép lại với với cuộc Khủng hoảng Châu Á năm 1998-1999 (cuộc khủng hoảng ở các thị trường mới nổi gây ảnh hưởng đến Nga năm 1998, Thổ Nhĩ Kỳ năm 1999, và lan rộng sang các quóc gia như Brazil và Argentina. Hệ quả nghiêm trọng khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IFM) phải tung gói viện trợ để cứu Argentina, đây cũng là ca cứu trợ lớn nhất từ trước đến nay từ IFM.

(…)
Mỗi cuộc khủng hoảng được nhắc đến đều có nguyên nhân và hệ quả riêng biệt. Tuy nhiên, dù khác nhau, tất cả đều trải qua ba giai đoạn rõ rệt: euphoria – phấn khích, credibility – tín nhiệm và aftermath – hậu quả (được quyết định bởi 2 giai đoạn đầu).
Euphoria (hay phấn kích, lạc quan tột độ), là giai đoạn mọi người đổ tiền vào các thị trường mà họ tin rằng sẽ tăng trưởng mãi mãi. Để giải quyết khủng hoảng tài chính khi bong bóng vỡ, các chính sách thích hợp và đáng tin cậy là điều cốt yếu. Chính hai yếu tố này có thể định hình hậu quả về sau – tạo nên sự khác biệt giữa một đợt phục hồi nhanh chóng hay một cuộc suy thoái kéo dài. Đối với mỗi cuộc khủng hoảng, các phản ứng của chính phủ hoặc các tổ chức sẽ được phân tích nhằm xác định đâu là những biện pháp mang lại kết quả tốt nhất, và đâu là những phản ứng dẫn đến hậu quả tồi tệ nhất.
Mười cuộc khủng hoảng lớn
Có nhiều cuộc khủng hoảng tài chính hơn những gì được đề cập, nhưng không phải cuộc nào cũng gây ra tổn thất kinh tế trên diện rộng. Mười cuộc khủng hoảng được đề cập đều dẫn đến suy thoái kinh tế, và chính điều đó khiến chúng được xem là những “cuộc khủng hoảng lớn” – bởi không phải khủng hoảng tài chính nào cũng gây suy thoái, dù rằng mọi cuộc suy thoái đều đi kèm với sự sụt giảm của thị trường chứng khoán. Ví như, thứ Hai Đen tối 19 tháng 10 năm 1987 từng là phiên sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán, cho đến khi cuộc khủng hoảng do đại dịch năm 2020 xảy ra. Thị trường Hoa Kỳ và toàn cầu lao dốc mạnh, trở thành thị trường gấu (bear market) chỉ trong vài ngày – tuy nhiên, suy thoái kinh tế đã không xảy ra sau đó. Ngược lại, bong bóng dot-com vỡ vào năm 2000–2001 đã dẫn đến một cuộc suy thoái tại Hoa Kỳ, dù không quá nghiêm trọng – vì vậy nó được đề cập, còn một số cuộc khác thì không. Cũng đã có nhiều cuộc khủng hoảng trong thị trường bất động sản, nhưng phần lớn không dẫn đến sự sụp đổ tài chính như cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn ở Hoa Kỳ – sau đó đã trở thành cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Một cuộc khủng hoảng tiêu biểu khác là khủng hoảng tại Nhật Bản. Sự sụp đổ của thị trường bất động sản đầu những năm 1990 không chỉ xảy ra ở Nhật Bản; nhiều quốc gia cũng chứng kiến bong bóng bất động sản vỡ sau một thập niên 1980 đầy phấn khích, dẫn đến một cuộc suy thoái toàn cầu. Tuy nhiên, các nền kinh tế đó không rơi vào tình trạng đình trệ kéo dài như Nhật Bản, nơi mà sau ba thập kỷ vẫn đang vật lộn để lấy lại mức tăng trưởng trước khủng hoảng. Chính vì vậy, Nhật Bản sẽ có một chương riêng, vì việc phân tích nền kinh tế này có thể mang lại những bài học quan trọng giúp giảm thiểu tác động của một cuộc sụp đổ bất động sản — và tránh để nó gây ra nhiều thập kỷ tăng trưởng bị đánh mất.
“Các thập niên gần đây chứng kiến một chuỗi thảm họa tài chính thường xuyên bao trùm lên các nền kinh tế toàn cầu.”
Mười cuộc khủng hoảng được đề cập bắt đầu bằng ba thế hệ khủng hoảng tiền tệ đã xảy ra kể từ khi thị trường tài chính được toàn cầu hóa. Như đã nói, cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 là thời kỳ “bội thu” các cuộc khủng hoảng tài chính. Kể từ những năm 1970, quá trình mở cửa và toàn cầu hóa thị trường tài chính đi kèm với hàng loạt loại khủng hoảng: từ ngân hàng, bất động sản, thị trường chứng khoán, tiền tệ đến nợ công. Trong thập niên đó, hoạt động ngân hàng và giao dịch tiền tệ ở nước ngoài phát triển mạnh, khiến các thị trường liên kết chặt chẽ với nhau – hậu quả là một cuộc khủng hoảng có thể lan nhanh từ nước này sang nước khác. Dù khủng hoảng với nhiều hình thức đã xảy ra trong nhiều thế kỷ, các thập niên gần đây chứng kiến một chuỗi thảm họa tài chính thường xuyên bao trùm lên các nền kinh tế toàn cầu.
Cuộc khủng hoảng đầu tiên là khủng hoảng tiền tệ ở Mỹ Latinh vào đầu những năm 1980. Tiếp theo là Khủng hoảng Tiền tệ Châu Âu (ERM) năm 1992, nơi các đồng tiền châu Âu được neo vào đồng Mark Đức. Mô hình khủng hoảng thế hệ thứ ba là cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997–1998, cuối cùng lan rộng ra toàn cầu, ảnh hưởng đến Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Brazil và Argentina. Cùng thời điểm đó, Hoa Kỳ đối mặt với cuộc khủng hoảng hệ thống tiết kiệm và cho vay, còn nền kinh tế Nhật Bản từng thịnh vượng thì sụp đổ do bong bóng bất động sản vỡ tung.

Ngay đầu thế kỷ 21, mọi chuyện vẫn chưa yên khi bong bóng dot-com vỡ, kéo theo một cuộc suy thoái tại Hoa Kỳ và ảnh hưởng đến thị trường quốc tế. Sau đó, thế giới chứng kiến cuộc khủng hoảng ngân hàng hệ thống tồi tệ nhất kể từ vụ sụp đổ năm 1929. Đó chính là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, bắt nguồn từ hoạt động cho vay dưới chuẩn thiếu kiểm soát ở Hoa Kỳ, dẫn đến sự sụp đổ gần như hoàn toàn của ngành tài chính Mỹ, suýt làm sập hệ thống ngân hàng Anh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều nước khác.
Cuối giai đoạn khủng hoảng dưới chuẩn ở Mỹ là cuộc khủng hoảng đồng euro năm 2010, dẫn đến các gói cứu trợ cho Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp (lớn nhất trong lịch sử, vượt qua cả Argentina), cùng với việc giải cứu toàn bộ hệ thống ngân hàng của Tây Ban Nha và Síp. Không lâu sau đó, thế giới lại bị đại dịch Covid-19 tấn công. Các cú sụp đổ thị trường tiếp theo là những đợt lao dốc mạnh nhất trong lịch sử. Thị trường tài chính rơi từ đỉnh cao kỷ lục, và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng nhanh chưa từng thấy kể từ cuộc Đại Suy Thoái thập niên 1930. Thị trường tài chính tuy phục hồi, nhưng nền kinh tế thực thì vẫn chật vật. Những hành động can thiệp quy mô lớn từ chính phủ đã cho thấy thực tế rằng các bài học lịch sử đã được tiếp thu hay đã bị bỏ qua.
Vậy điều gì sẽ châm ngòi cho cuộc khủng hoảng lớn tiếp theo? Những khó khăn gần đây của thị trường bất động sản Trung Quốc có thể là dấu hiệu cho thấy đây sẽ là cuộc sụp đổ toàn cầu tiếp theo. Chắc chắn sẽ có các cuộc khủng hoảng tài chính khác xảy ra ở các quốc gia hoặc lĩnh vực khác trước đó, nhưng Trung Quốc vẫn nổi bật vì quy mô kinh tế khổng lồ – khiến bất kỳ cuộc khủng hoảng nào tại quốc gai này đều có khả năng ảnh hưởng lớn đến cả nền kinh tế toàn cầu. Và Trung Quốc cũng đã “đến hẹn”. Nền kinh tế nước này hiếm hoi tránh được khủng hoảng tài chính nghiêm trọng trong suốt bốn thập kỷ tăng trưởng liên tục, trừ một quý trong thời gian phong tỏa vì Covid-19. Dù đã có những chu kỳ bùng nổ và suy thoái, nhưng Trung Quốc vẫn chưa trải qua một cuộc “sụp đổ lớn” thực sự. Mặc dù ngành bất động sản đã rơi vào khủng hoảng, điều đó vẫn chưa kéo theo một cuộc khủng hoảng rộng hơn hay suy thoái toàn diện. Một phần là nhờ hệ thống tài chính do nhà nước kiểm soát, được hỗ trợ mạnh mẽ bởi chính phủ. Nhưng với mức nợ đang ngày càng lớn và sự mong manh hiện hữu, việc Trung Quốc phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng hoàn toàn phù hợp với quy luật kinh tế xuyên suốt lịch sử. Nếu điều đó xảy ra, thì rất có thể nó sẽ là một “cuộc đại khủng hoảng”. Dù bản chất và tác động của khủng hoảng tại Trung Quốc có thể khác biệt, nhưng các yếu tố như nợ do tâm lý phấn khích và mức độ đáng tin cậy của thể chế đã cho thấy nhiều điểm tương đồng với những cuộc khủng hoảng tài chính khác trong lịch sử.
“Chúng ta có thể vận dụng hiểu biết về ba giai đoạn của khủng hoảng để chuẩn bị tốt hơn cho cuộc khủng hoảng kế tiếp”
Bài học từ Lịch sử
Không chỉ các nhà hoạch định chính sách mới có thể học hỏi từ những gì đã xảy ra trước đó; tất cả chúng ta đều có thể áp dụng hiểu biết về ba giai đoạn của khủng hoảng được đề cập để chuẩn bị sẵn sàng hơn cho cú sụp đổ tiếp theo, điều không thể tránh khỏi.
Thứ nhất, cần cảnh giác với sự phấn khích của thị trường và tránh đổ xô vào các thị trường đang tăng bằng cách vay mượn quá mức. Sẽ rất khó để đứng ngoài khi thị trường đang hừng hực khí thế, nhưng còn tệ hơn nếu ta quá khích và vay nợ nhiều đến nỗi không trả nổi khi thị trường tất yếu sụp đổ. Việc phân biệt giữa tăng trưởng giá trị thực và bong bóng là điều không dễ, nhưng vì mọi thị trường – dù có bong bóng hay không – đều sẽ xẹp xuống, nên bài học cốt lõi vẫn giống nhau. Hãy đầu tư dài hạn, vì thị trường rồi sẽ phục hồi. Và đây sẽ là phần khó nhằn: cố gắng đừng bán ra khi thị trường chạm đáy, hoặc nghỉ hưu vào lúc đó. Việc rút một khoản lớn từ lương hưu hay mua niên kim ở đáy thị trường sẽ khiến bạn chốt lỗ, làm giảm thu nhập khi nghỉ hưu. Vì vậy, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi hành động để tránh biến những khoản lỗ tạm thời thành tổn thất thực sự.
Thứ hai, dù rất khó để dự đoán chính xác khi nào cú sụp đổ tiếp theo sẽ xảy ra, ta vẫn có thể quan sát và phán đoán các chính sách nào đáng tin cậy để hình dung cách khủng hoảng có thể diễn biến. Khi mức nợ trong một thị trường trở nên quá lớn khiến tăng trưởng chững lại, đó là dấu hiệu của một cuộc sụp đổ tiềm tàng. Việc nó có trở thành khủng hoảng hay không còn phụ thuộc vào việc các nhà hoạch định chính sách có thể điều tiết quá trình giảm phát của thị trường và giảm thiểu tác động đến nền kinh tế hay không. Ví dụ, liệu có các biện pháp quản lý để giảm vay mượn trong thị trường đang tăng nóng không? Liệu chính sách chính phủ có hỗ trợ giữ người lao động có việc làm và giúp các doanh nghiệp tồn tại, từ đó tránh được một cuộc suy thoái sâu hoặc kéo dài sau khủng hoảng?

Thứ ba, luôn ghi nhớ rằng thị trường tài chính đã sụp đổ nhiều lần trong suốt hàng thế kỷ, và hậu quả sau đó thì rất khác nhau – vì thế, tốt nhất là quản lý điều kiện tài chính của chúng ta với tâm thế rằng khủng hoảng tiếp theo có thể đến bất cứ lúc nào. Lời khuyên quen thuộc “để dành cho lúc mưa bão ập đến” vẫn luôn đúng. Với giới doanh nghiệp, cũng có những bài học giá trị: các công ty như Amazon, dù trong thời kỳ bong bóng dot-com tăng nóng, vẫn điều hành chặt chẽ và nhờ vậy không chỉ sống sót mà còn phát triển mạnh sau khủng hoảng. Một cú sụp đổ tất yếu sẽ phân biệt kẻ mạnh và kẻ yếu, và một doanh nghiệp được chuẩn bị tốt, đầu tư cẩn trọng, hoàn toàn có thể vươn lên mạnh mẽ hơn sau khủng hoảng.
Trích bài viết gốc của Linda Yueh, ‘Lessons from Ten Great Crashes’, London Business School (https://www.london.edu/think/lessons-from-ten-great-crashes).”
Xem thêm các bài viết: Thông tin CFA, Tin tức thị trường, Tổng hợp công thức CFA, Đăng ký thi CFA, Thư viện đầu tư